Patrul
Rinpoche là một đạo sự giác ngộ, dù ngài sống cuộc đời lang thang, là một trong
những bậc thầy tâm linh lừng lẫy nhất của thế kỷ vừa qua. Ký ức về ngài vẫn còn
rất sống động đến ngày nay và đem lại một nguồn cảm hứng cho tất cả những hành
giả Phật giáo của Tây Tạng.
Patrul Rinpoche sinh năm 1808 tại
Dzachuka, một vùng du mục xứ Kham phía bắc của Shechen và Dzogchen. Trí thông
minh sắc bén, từ tâm tự nhiên, và những khả năng đặc biệt sớm được thấy rõ.
Ngài được công nhận như là tušlku (vị tái sanh) của một đạo sư đã sống trong
vùng ấy, tên là Palge Samten Phuntshock, nổi tiếng vì đã xây dựng một bức tường
một trăm ngàn viên đá khắc thần chú OMÏ MANÏI PADME HŪMÏ. Về sau, vài đại lama
công nhận ngài là một hóa thân của Shantideva, và ngài cũng được nói là một
hiện thân về ngữ của Jigme Lingpa. Tulku Palge trẻ tuổi – Palge là nói gọn của
Patrul – được nhậm chức như là trụ trì của tu viện của vị tiền nhiệm đúng thời
gian thích hợp.
Không lâu sau đó, ngài gặp vị thầy
chính của mình, Jigme Gyalwai Nyugu. Vị đại sư này đã sống nhiều năm ở miền
trung Tây Tạng như là một trong những đệ tử cao cấp nhất của Jigme Lingpa và
khi trở lại xứ Kham, ngài đã để vài năm thiền định một mình gần nơi tuyết đóng
băng vĩnh cửu trong một thung lũng hẻo lánh của Dzama Lung. Phía sườn núi đầy
gió nơi ngài ở, không có ngay cả một hang động trú ẩn nào. Cái nhà độc nhất của
ngài lõm sâu trong đất, và ngài sống bằng cách ăn những cây và rễ hoang. Những
năm trôi qua, tiếng tăm của vị ẩn sĩ khổ hạnh lạ lùng này vang xa. Hàng trăm đệ
tử đến viếng thăm ngài, sống trong những lều gần cạnh. Ngài là kiểu mẫu của
người thực hành Pháp theo một cuộc sống rất giản dị, quyết tâm ở yên chỗ cho
đến khi thành tựu chứng ngộ. Từ Jigme Gyalwai Nyugu, Patrul Rinpoche đã nhận
không dưới hai mươi lần những chỉ dạy về những thực hành căn bản về Longchen
Nyingthig, cũng như nhiều truyền thọ quan trọng khác, ngài đã nghiên cứu và
thực hành tất cả với nghị lực lớn lao. Thời thiếu niên, Patrul Rinpoche dành
những thời kỳ dài du hành để gặp gỡ những vị thầy của ngài hay cùng đi với các
vị trên những chuyến đi – nhiều người trong các vị không có chỗ ở nhất định.
Ngoài Jigme Gyalwai Nyugu, Patrul gặp và học hỏi với hầu hết đại lama của thời
đó, gồm Drodup Chen đệ nhất, Jigme Trinle OŠser ; Jigme Ngotsar ; Dola Jigme ;
Gyelse Shenpen Thaye của Dzogchen ; và đại thành tựu giả Do Khyentse Yeshe
Dorje.
Do Khyentse Yeshe Dorje là hiện thân
về tâm của Rigdzin Jigme Lingpa. Vị này đã có thiên nhãn một cách tự nhiên từ
hồi nhỏ và làm vô số phép lạ. Patrul Rinpoche cảm thấy ngưỡng mộ mạnh mẽ vị đạo
sư không ở trong quy ước thường tục này, mà ngài xem như đích thân đức Phật.
Một hôm, khi Do Khyentse đang ở Dzachu, bậc này thấy Patrul đi gần đó và kêu :
“Ê ! Palge ! Hãy đến đây ! Hay ngươi không dám ?” Vừa đến gần, Do Khyentse nắm
tóc ngài, đánh ngài ngã xuống đất, và lôi ngài vòng vòng trong bụi bặm. Patrul
nghĩ rằng Do Khyentse đã uống nhiều ; hơi thở ngài nồng mặc mùi bia. Ngài nghĩ
thầm : “Ngay cả một đại sư chứng ngộ như ngài mà có thể uống rượu và đối xử như
bê bối như vầy !” Và sự diễn tả của đức Phật về những khuyết điểm về rượu hiện
đến trong trí ngài.
Ngay lúc ấy, Do Khyentse thình lình
buông tay, thả Patrul ra, và nhìn dữ dằn vào mắt ngài. “À !” ông nói. “Ngươi có
những ý tưởng thật là vô đạo, rởm đời ! Đồ chó già !” Ông nhổ nước miếng vào
mặt ngài, đưa cho ngài thấy ngón tay út của mình (một cử chỉ cùng cực xúc
phạm), và bỏ đi. Thình lình, Patrul thấu hiểu : “Ta đã lầm lẫn hoàn toàn. Đây
là một giáo huấn sâu xa, chỉ ra bản tánh tối hậu của tâm thức.” Ngài ngồi xuống
thiền định, và kinh nghiệm về tánh giác không ngăn ngại tự nhiên đến với ngài,
rõ ràng trong sáng như một bầu trời không mây. Khi Jigme Gyalwai Nyugu trước đó
đã ban cho ngài sự nhập môn vào tánh giác bổn nhiên, nó giống như bình minh ;
kinh nghiệm này khi ở với Do Khyentse đối với ngài giống như mặt trời lên trọn
vẹn. Patrul Rinpoche về sau đùa bởn về chuyện này, nói rằng : “Chó Già là tên
quán đảnh bí mật mà Do Khyentse đã ban cho tôi.” Một số tác phẩm của Patrul
được ký tên là “Chó Già.”
Sau cái chết của người cháu của vị
tiền nhiệm, Patrul Rinpoche quyết định sống đời còn lại không nhà và tài sản.
Sắp đặt mọi sự ở tự viện của ngài xong, ngài ra đi cho cuộc đời lang thang.
Những ngọn đồi và thung lung dốc và
đầy cây chung quanh Tu Viện Dzogchen có những chỗ ở và Patrul Rinpoche thường ở
lại đó trong thời kỳ đầu của cuộc sống không nhà của mình và ngài thường trở
lại đó. Ở Dzogchen ngài đã nhận nhiều chỉ dạy từ Gyelse Shenpen Thaye và thành
tựu giả Mingyur Namkhai Dorje, vị Rinpoche Dzogchen thứ tư. Cũng ở đây, trong
hang Thiền Định Yamantaka, ngài tạo bản văn nổi tiếng, “Những Lời Dạy của vị
Thầy Hoàn Hảo của Tôi”, Kunzang Lame Shelung.
Lang thang trong núi non, sống trong
hang, rừng và những chỗ ẩn tu hoang vắng, ngài thường trực tham thiền về từ, bi
và Bồ đề tâm – mong muốn đưa tất cả chúng sanh đến giải thoát và giác ngộ. Ngài
xem những cái này là gốc của sự thực hành tâm linh. Với bất cứ ai, cao cũng như
thấp, ngài đều nói, “Hãy có một tấm lòng tốt, và hành động với từ ái ; không gì
quan trọng hơn.” Vì Bồ đề tâm của ngài càng ngày càng bao la, sự chứng ngộ Đại
Toàn Thiện bao giờ cũng hiện diện của ngài cũng như vậy.
Ở tuổi bốn mươi, Patrul Rinpoche lên
đường đi tỉnh Amdo để gặp gỡ đại sư Shabkar Tsokdruk Rangdrol. Trên đường đi,
ngài lại nghe Shabkar đã chết. Thế nên ngài đến Golok, nơi ngài thường ở lại
với Gyelse Shenpen Thaye. Ngài gây cảm hứng cho toàn vùng bằng lời dạy của
mình, thuyết phục những kẻ cướp bỏ nghề trộm cướp và những thợ săn bỏ nghề giết
hại.
Vào thời nhỏ, ngài đã học hỏi với
những vị thầy vĩ đại trong thời đó và, với trí nhớ phi thường, đã thuộc nằm
lòng hầu hết. Khi lớn tuổi, ngài có thể dạy nhiều chủ đề phức tạp của triết học
Phật giáo trong hàng tháng mà không cần dựa vào một trang bản văn nào. Khi ngài
dạy, tâm thức người ta hoàn toàn thay đổi. Mỗi người nghe pháp đều cảm thấy
thanh thản và có thể an trụ trong tham thiền mà không phải cố gắng. Chỉ một vài
lời ngài nói ra có thể mở cửa cho một chuỗi những soi chiếu mới mẻ vào đời sống
tâm linh. Ngài dạy trong một ngôn ngữ trực tiếp mà người ta có thể tức thời áp
dụng cho kinh nghiệm nội tâm của chính mình. Sự hiểu biết bao la của ngài, sự
ấm áp của những ban phước của ngài, và chiều sâu của chứng ngộ nội tâm nơi ngài
đã cho những lời dạy của ngài một phẩm tính hoàn toàn khác với những vị thầy khác.
Với vẻ bên ngoài, y phục, và cách
ngài cư xử với những người không biết ngài là ai, không có gì phân biệt Patrul
Rinpoche với một người hoàn toàn bình thường. Những người tình cờ gặp ngài
không bao giờ đoán ra ngài là một đại lama. Cũng có khi, những lama khác không
nhận ra ngài, cho ngài lời dạy về chính những tác phẩm của ngài. Ngài không giữ
một sở hữu nào cả. Hoàn toàn thờ ơ với những công việc của thế giới này, ngài
không hề nhận cúng dường. Nếu người ta khăng khăng biếu tặng ngài những thứ giá
trị – bạc, vàng hay những thứ khác – ngài bỏ chúng lại và ra đi, vô tư lự và
một mình. Khi ngài ở đâu, không có chương trình định sẵn, và khi bỏ đi, ngài
không có chỗ đến đặc biệt nào. Ngài chỉ ra đi với cây gậy đi đường, những y áo
ngài mặc, một bị vải nhỏ đựng cái ấm đất nấu trà, và một bản sao của Bồ Tát
Hạnh. Ngài dừng lại bất cứ chỗ nào ngài muốn, trong rừng, hang động, hay một
nơi nào hẻo lánh, trong một thời gian không định trước.
Những người nào có thời gian ở với
ngài nói rằng ngài chỉ nói về Pháp. Ngài chỉ dạy, hoặc kể những câu chuyện từ
cuộc đời của những đại lama xưa ; nhưng không ai đã từng nghe ngài bàn về những
chuyện đã xảy ra trong thế gian bình thường. Ngài hiếm khi nói không chủ đề, và
khi nói thì thẳng thắn và trực tiếp, không dễ chịu cho những ai mong sự tâng
bốc. Sự hiện diện của ngài gây ra nể và kính, ngay cả sợ hãi lúc ban đầu, và
chỉ những người cần thiết thực sự sự hướng dẫn tâm linh của ngài mới đến gần
ngài. Nhưng tất cả những người kiên trì sẽ rất khó mà rời khỏi ngài.
Patrul Rinpoche còn được tất cả
những vị thầy đương thời lừng lẫy nhất nhớ tới cho đến ngày nay như là một
thiền sư lỗi lạc đã đạt đến chứng ngộ thực tại tuyệt đối không thể nghi ngờ gì.
Đức Dalai Lama thường công khai tán dương những lời dạy về Bồ đề tâm của Patrul
Rinpoche, mà chính ngài giữ gìn và truyền thọ. Dilgo Khyentse Rinpoche nhắc đến
Patrul Rinpoche như là một kiểu mẫu hoàn hảo của một người thực hành cái thấy,
thiền định và hành động của Dzogchen (Đại Toàn Thiện), hay Atiyoga.
Patrul Rinpoche hiểu biết một cách
thực hành và thuộc lòng bộ Bảy Kho Tàng nổi tiếng và những tác phẩm khác của
đạo sư Gyalwa Longchenpa thế kỷ mười bốn, người mà ngài xem là thẩm quyền tối
hậu về những cấp độ khác nhau của con đường Phật giáo. Thỉnh thoảng, ẩn dật
trong một cái hang hay một nơi ẩn cư thiếu thốn, ngài viết một bản văn của
chính ngài, và hầu hết những luận sâu xa và nguyên thủy ấy về sau được tập hợp
thành sáu bộ những tác phẩm của ngài. Tác phẩm phổ thông nhất, Những Lời Nói
của vị Thầy Hoàn Hảo của Tôi, diễn tả trong một phong cách sắc bén và bản địa
với một sự phong phú những giai thoại những thực hành nền tảng của truyền thống
Nyingmapa như được dạy bởi Jigme Gyelwai Nyugu, và được những đạo sư và đệ tử
của mọi phái Phật giáo Tây Tạng tôn kính.
Patrul Rinpoche dạy cho những đệ tử
của tất cả mọi phái một cách không thiên vị và – cùng với Jamgon Kongtrul
Lodroš Thaye, Jamyang Khyentse Wangpo và Lama Mipham – đã đóng một vai trò chủ
chốt trong sự phát triển của phong trào không phân phái nở rộ vào thế kỷ mười
chín, làm sống lại toàn bộ Phật giáo Tây Tạng vào một thời điểm mà nhiều dòng
phái và thực hành trở nên hiếm hoi và đang ở ngưỡng cửa của sự tắt mất. Là một
người cổ vũ mạnh mẽ cho những niềm vui của cô tịch và sự đơn giản của cuộc đời
xuất gia, ngài luôn luôn nhấn mạnh đến sự vô ích phù phiếm của nỗ lực và theo
đuổi về thế gian.
Năm 1885, Patrul Rinpoche bấy giờ
bảy mươi bảy tuổi, trở về nơi sinh của mình ở Dzachuka, và ngài ở đó cho đến
khi chết vào năm 1887. Những giờ phút cuối cùng của ngài được thị giả Sonam
Tsering diễn tả lại :
Vào ngày 17, ngài dùng một chút thức
ăn và tụng đọc Tantra Sám Hối. Rồi ngài làm một số lễ lạy, thực hành yoga năm
phần, và một thực hành để cởi mở những kinh mạch ở trung tâm trái tim. Sáng sớm
hôm sau, ngài dùng sữa đông và uống ít trà. Khi mặt trời bắt đầu chiếu sáng,
ngài cởi áo quần, ngồi thẳng, xếp đùi trong tư thế kim cương và để hai bàn tay
trên đầu gối. Khi tôi khoác một ít áo quần lại trên người ngài, ngài không nói
gì cả. Bấy giờ có ba chúng tôi – Kungyam, y sĩ và tôi. Sau đó ngài nhìn thẳng
vào không gian, búng ngón tay của cả hai bàn tay, rồi để dưới áo trong ấn đại
định và đi vào khoảng không sáng ngời bên trong của sự thanh tịnh bổn nhiên, sự
thăng hoa toàn hảo của cái chết.
Trong nhiều đệ tử quan trọng của
Patrul Rinpoche có Dodrupchen Rinpoche thứ ba, Nyoshul Lungthok Tenpai Nyima,
Adzom Drukpa, Mipham Rinpoche, Tertošn Sogyal, Dzochen Rinpoche thứ năm, Katok
Situ Rinpoche thứ nhì, Khenpo Kunzang Pelden, Khenpo Yonga và Khenpo Shenga.
Nhiều đại lama ngày nay giữ dòng phái trực tiếp của Patrul Rinpoche, chỉ cách
một hay hai thế hệ. Chính ngài Dilgo Khyentse Rinpoche đã được Mipham Rinpoche
ban phước lúc còn là một trẻ nhỏ và đã nhận những chỉ dạy từ một số đệ tử trực
tiếp này của Patrul Rinpoche. Bởi thế những lời dạy, những ban phước gia bị và
thần lực của ngài vẫn còn rất nhiều với chúng ta ngày nay.
Read more:
No comments:
Post a Comment